Thông tin chi tiết
Nhà văn Trúc Khê rất uyên thâm Hán học. Trong hơn 20 năm cầm bút ông để lại gần 60 tác phẩm, không kể các bài bình luận, biên khảo đăng trên các báo. Ông thuộc hàng danh sĩ trong nước, có nhiều đóng góp cho nền văn hóa dân tộc. Có thể nói, ông là một trong số ít người cầm bút cách đây gần thế kỷ đã dám đi vào nhiều thể loại văn chương và để lại cho thế hệ sau một gia sản đồ sộ về văn hóa.
Sinh thời ông đã sáng tác, dịch thuật, biên khảo nhiều sách có giá trị như: Lịch sử Nam tiến của dân tộc ta, Đò Chiều, Ức Trai thi tập, Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ, dịch truyện anh “Mưa gió cành xuân” của Stivenson... Chính vì thế mà Giáo sư Vũ Khiêu đã nói rằng: “Ông để lại cho nền văn học một tài sản đồ sộ, có cả chiều rộng lẫn chiều sâu, lưu lại một dấu son trong lòng độc giả hiếu học”.
Ông là người có tinh thần dân tộc ngay cả trong suy nghĩ, sáng tác, nghiên cứu cũng như trong sinh hoạt, ứng xử. một người giàu lòng hiếu khách, yêu thiên nhiên hoa cỏ. Trúc Khê không lấy văn chương làm mục đích. Mục đích của ông là làm sao cho "ích nước lợi dân". Ông khảo cứu, dịch thuật, biên soạn... đều nhằm mục đích ấy. Lòng yêu nước của ông nhằm vào việc nâng cao dân trí, nói sao cho dân hiểu, gợi sao cho dân tự nghĩ, để tự đứng dậy giải phóng mình. Ông có khuynh hướng về tiểu thuyết lịch sử với một động cơ rất chính đáng: “Muốn cho người ta yêu mến đất nước, trước hết nên cho người ta hiểu biết lịch sử. Thế mà chính sử thì khô khan, không có sức quyến rũ người đọc. Chỉ có cách lợi dụng cái tính ham đọc tiểu thuyết của quần chúng, đem quốc sử viết thành tiểu thuyết mới có thể đạt được ý muốn”. Chính vì vậy, khối lượng truyện ký và tiểu thuyết lịch sử ông viết khá nhiều. Vì lẽ đó, mặc dù ông tạ thế ở tuổi 46, nhưng cũng đã làm được nhiều việc ích nước lợi dân. Những nhận xét của ông về văn chương, về thời thế, về lịch sử... đến nay vẫn còn nhiều ý nghĩa.