KIM VÂN KIỀU - NGUYỄN VĂN VĨNH (1927)
Tình trạng: Còn hàng
Mã sản phẩm: KVK1927
Tác giả: NGUYỄN VĂN VĨNH
Nhà xuất bản: HIỆU ÍCH KÝ
Năm xuất bản: 1927
25.000.000 đ
Giao hàng toàn quốc
Sách gốc
Thông tin chi tiết
Bản in năm 1927 của Hiệu Ích Ký ở 58 phố Hàng Giấy, Hà Nội. Câu đầu tiên trong “Kim Vân Kiều” được in như sau:
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là cợt nhau !
Nguyễn Văn Vĩnh chú giải:
· Lần in trước cho là “ghét nhau”, nhưng cợt nhau thì phải hơn. Nghĩa là chữ Mệnh thường hay đùa bỡn chữ Tài, có khi cho được hiển vinh xung xướng, có khi làm cho điêu đứng thiểu não, đó là thấy có tài thì đùa bỡn chơi mà thôi. Nếu ghét nhau thì bao nhiêu người có tài phải khổ cả.
Đến đây, chúng ta khó có thể nghi ngờ việc Nguyễn Văn Vĩnh có thực giỏi chữ Hán và Nôm hay không? Hay ông đã yêu cái tiếng mẹ đẻ của mình đến ngần nào?!
LỜI TỰA KIM VÂN KIỀU của NGUYỄN VĂN VĨNH
(In năm 1927).
Cả nước Nam duy có truyện Kim-Vân-Kiều là truyện hay.
Văn-chương thế mới thực là Văn-chương !
Ngâm đi, ngâm lại, mà không bao giờ biết chán, ấy mới là cái thần-tình câu văn.
Kể các truyện nôm của ta thì bao nhiêu là truyện, nhưng mà không có truyện nào, cốt tầm-thường như thế, mà nên được những câu tuyệt-diệu, tả được những cảnh não nùng, tính tình con người ta giãi bày ra một cách rất sâu sắc.
Nhưng mà, ai là người hiểu cho hết những cái sâu sắc ấy ! Hiểu được ắt phải đã
Trải qua một cuộc bể dâu
Phải đã biết.
Đau đớn lòng vì những điều trông thấy. Mà hiểu được câu truyện, cái lòng thương nhân loại nó lại càng lai láng ra bao nhiêu !
Ví trong nước Nam ta, mà bao nhiêu người ngâm truyện Kiều, hiểu được cả truyện Kiều, thì thực là một nước biết yêu, biết thương nhau, biết sống làm người một cách êm ái quá.
Ngặt vì mười người ngâm không được lấy một người hiểu. Sao vậy ?
Trước hết là bởi cái lối làm văn Nước Nam như thế. Nhời là nhời nói với cả bao nhiêu người trong ngực có tấm lòng thổn thức, mà lại dùng những chữ-nghĩa ước với nhau trong một bọn nho mà thôi; thì sao hiểu thấu hết được ? Thế mà hay. Hay là vì cái người biết đau đớn, biết ngán việc đời, như ông Nguyễn-Du, dẫu phải theo khuôn theo lối, nhưng cất ngòi bút viết, mở miệng nói ra có tiếng não nùng thấm thía vào lòng người ta. Cái khuân ấy, cái lối ấy, chẳng qua là một cái rào chắn ngang đường, một cái khó của phong tục nó đố người tài, làm cho lộ thêm cái tài ra mà thôi.
Nay chúng tôi dịch truyện này ra chữ quốc ngữ, có ý tra cứu các bản từ xưa đến giờ, để dịch cho đúng mà lưu lại một cái nền văn-chương nước Nam. Các điển tích cùng các câu khó chúng tôi đã chua ra, để ai ai cũng hiểu những câu sâu sắc trong truyện Kiều; để mà biết thực giá một cái hương-hỏa quí của người đời trước để lại cho; để mà ngâm câu truyện biết nghĩa lý, thì lòng người mới biết động.
Nay tựa.
Theo Nguyễn Văn Tố (1889-1947), Nguyễn Văn Vĩnh có lối dịch văn thấu đáo, “theo cách thức nghệ thuật được người bình luận bất ngờ đem dùng, để bàn về tính chính đáng của một cách diễn đạt hoặc một hình ảnh, một chi tiết bếp núc nghiệp văn được gợi ra ngay trong tiến trình bình luận”.
Nguyễn Văn Vĩnh là một trong bốn trí thức Tây học lớn của nước ta đầu thế kỷ 20 gồm: "Quỳnh - Vĩnh - Tố - Tốn" (Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố, Phạm Duy Tốn).
Theo nhà sử học Chương Thâu, Nguyễn Văn Vĩnh là người đầu tiên dịch Truyện Kiều từ chữ Nôm sang chữ quốc ngữ, người đầu tiên dịch Truyện Kiều từ chữ quốc ngữ sang tiếng Pháp và người đầu tiên đưa Truyện Kiều lên màn hình chớp bóng những năm đầu thế kỷ 20.
Nguyễn Văn Vĩnh là một nhà báo và nhà văn lớn của miền Bắc, đã có những đóng góp đáng kể cho nền văn hóa Việt Nam nói chung và nền báo chí nói riêng những năm đầu thế kỷ XX. Dù được đào tạo trong môi trường Pháp và thân Pháp, ông đã tỏ ra có những công trình tích cực cho dân tộc. Ông học Trường Thông ngôn, rồi làm thư-ký ở các Tòa Công sứ Lào Cai, Kiến An, Bắc Ninh cùng lúc làm cộng tác viên cho hai tờ báo tiếng Pháp Courrier de Hai Phong và Tribune Indochinoise của François-Henri Schneider và cuối cùng làm ở Tòa Đốc-lý Hà Nội. Năm 1906, ông được cử đi dự hội chợ đấu xảo ở Marseille, được dịp tiếp xúc với kỹ nghệ in ấn và báo chí (thăm tòa báo Revue de Paris, nhà xuất bản Hachette và NXB Từ điển Larousse). Trở về với quyết tâm truyền bá chữ quốc ngữ, ông xin thôi việc công chức thuộc địa, mở nhà in, làm chủ bút nhiều tờ báo và viết báo, dịch thuật văn thơ.
Năm 1907, ông cùng với Dufour mở nhà in đầu tiên ở Hà Nội và làm biên tập viên phần chữ quốc-ngữ cho tờ Đăng Cổ Tùng Báo (1907-1909) do Schneider sáng lập, tờ báo đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ tại miền Bắc (trong khi Nam-kỳ đã có nhiều tờ báo chữ quốc-ngữ đã xuất hiện trong suốt gần 40 năm trước đó : Gia Định Báo 1865, Phan Yên Báo 1868, Nam-Kỳ Địa Phận 1883, Nông Cổ Mín Đàn 1900, Lục Tỉnh Tân Văn 1907,... ). Đăng Cổ Tùng Báo vốn là ấn bản tiếp tục tờ Đại-Nam Đồng Văn Nhật Báo chữ Hán có từ năm 1892, được xem như công-báo và sống được hơn 2 năm. Với Nguyễn Văn Vĩnh, tờ Đăng Cổ Tùng Báo đã là bước đầu của ông đóng góp trong việc phổ biến tiếng Việt và mở đầu cho một nền văn-học mới, rời bỏ ảnh-hưởng Bắc-thuộc của chữ Hán. Trên tờ này đã xuất hiện những bài viết tài hoa và thực tế của ông ký dưới các bút hiệu Tân Nam Tử, Đào Thị Loan.
Sau khi tờ Đăng Cổ Tùng Báo đình bản, Nguyễn Văn Vĩnh đảm nhiệm hai tờ báo tiếng Pháp Notre Journal (19-10-1908), Notre Revue (1910) ngoài Bắc và làm chủ bút tờ Lục Tỉnh Tân Văn ở Sài-Gòn. Tờ Notre Journal làm cơ quan liên lạc cho viên chức Việt Nam phục vụ trong guồng máy bảo-hộ đồng thời giúp người Pháp hiểu biết hơn về Việt Nam. Notre Revue chỉ ra được 12 số.
Nguyễn Văn Vĩnh đã lập ra Hội dịch sách "để dịch ra tiếng bản-quốc các sách hay của Đại pháp và của nước Tầu…. chúng tôi tin rằng: sự dịch sách có ích lợi cho dân ta lắm..." (Đăng Cổ Tùng Báo, 810, 25–7–1907). Ông còn là dịch giả tiên phong. Lúc đầu ông thường dịch các tác phẩm học thuật tư tưởng của các bậc danh sĩ nổi tiếng nước Pháp như Pascal. Về sau, ông dịch thơ, tiểu thuyết và hài kịch như thơ ngụ ngôn La Fontaine, truyện cổ tích Perrault (Truyện Trẻ Con), hài kịch của Molière (Trưởng Giả Học Làm Sang, Người Biển Lận, Giả Đạo Đức, Bệnh Tưởng), tiểu-thuyết của Emile Vayrac, của Balzac (Miếng Da Lừa), Victor Hugo (Những kẻ khốn nạn), Alexandre Dumas (Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ), Mai Nương Lệ Cốt của Abbé Prévost, Tê-Lê-Mác Phiêu Lưu Ký của Fénélon, Qui-li-ve Du Ký của J. Swift, v.v. từ tiếng Pháp sang tiếng Việt và cả chữ Hán, chữ Nôm, và dịch Nôm ra Pháp. Ông là người Việt-Nam đầu tiên dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp (trước ông đã có bản dịch của Abel del Michels - Kim Vân Kiều Tân Truyện xuất-bản năm 1884); đăng trên Đông-Dương tạp-chí trước khi in thành sách. Bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh khá đặc biệt vì ngoài việc dịch cả câu, ông còn dịch nghĩa từng chữ và chú thích rõ các điển-tích liên hệ.
Các tác-phẩm dịch thuật của Nguyễn Văn Vĩnh đã giúp cho người dân Việt Nam tiếp xúc với những tư tưởng mới, hay, của Tây phương (Luận Lý Học, Triết Học Yếu Lược, Chuyện Các Bậc Danh Nhân Hy Lạp) và cả biết đến những nét đặc sắc của văn hóa của chính dân tộc và của á-đông. Về điểm này, ông đã là một trong những người đầu tiên bắc chiếc cầu nối giữa hai nền văn hóa Đông-Tây. Văn học dịch thuật đã đóng một vai trò quan trọng và lót đường trong quá trình hiện đại hóa văn-học Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX. Thật vậy, phong trào dịch truyện Tàu mạnh lên từ khoảng năm 1904 với đóng góp của các truyện dịch Chinh Đông Chinh Tây, Thuyết Đường, Phong Thần, các truyện võ hiệp, ở Bắc thì có Tam Quốc Chí là tiểu thuyết dịch đầu tiên bằng chữ quốc ngữ xuất bản ở Hà Nội (Phan Kế Bính, 1907), rồi những Đông Chu Liệt Quốc, Tây Sương Ký của Nguyễn Đỗ Mục đăng trên Đông Dương tạp chí và Trung Bắc Tân-văn, các bản dịch và phiên âm truyện Hán Nôm của ta như Vũ Trung Tùy Bút, Lĩnh Nam Chích Quái, Truyền Kỳ Mạn Lục, Việt Lam Xuân Thu. Các dịch giả khác đã diễn dịch tác phẩm tiếng Pháp ra chữ quốc ngữ: Trương Minh Ký là người đi tiên phong với Truyện Phan Sa Diễn Ra Quốc Ngữ (1884) gồm truyện và thơ ngụ ngôn La Fontaine; Tê-Lê-Mác Phiêu Lưu Ký,... Trần Chánh Chiếu ký Kỳ Lân Các dịch Tiền Căn Báo Hầu (Le Comte de Monte-Cristo của Alexandre Dumas, đăng Lục-Tỉnh Tân-Văn. Ở ngoài Bắc, những tác phẩm dịch đầu tiên là của Nguyễn Văn Vĩnh và xuất hiện trên Đông Dương tạp chí; tuy nhiên, với Phạm Quỳnh và Nam Phong tạp-chí thì sự tiếp nhận văn học Pháp mới trở thành thực sự và có ý hướng, đường lối rõ ràng, nhất là về thể-loại tiểu-thuyết.